31 thg 12, 2012

Nỗi niềm Thị Nở và Cảm nhận của Như Mai


Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi nào dở hơi gì
Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình

Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền

Anh không nhà cửa bạc tiền
Không ưa luồn cúi không yên phận nghèo
Cái tên mơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao

Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày
Khen cho con Tạo khéo tay
Nồi này thì úp vung này chứ sao

Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đãm quá trăng sao lại nhoà
Người ta mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh

Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm.
Tác gỉa bài thơ : QUANG HUY

Bài bình của tác giả NHƯ MAI:

Tôi không biết bài thơ này ra đời từ khi nào, nhưng từ khi tôi bắt gặp nó được đăng trên báo Văn nghệ năm 1992, tôi đã rất thích. Thời bấy giờ, bài thơ được nhiều người chuyền tay nhau và vô cùng thích thú. Nó gần như là một trong số ít những bài thơ mà tác giả đã “dũng cảm” sử dụng “mẫu” trong thơ là một người phụ nữ không có lợi thế về nhan sắc.

Lúc đầu bắt gặp bài thơ này, tôi cứ tưởng đây chỉ là bài thơ gây cười, châm biếm, nhưng càng đọc càng thấy nó hay, nhất là khi tuổi đã lớn, tôi đọc lại và nhận thấy bài thơ có một vẻ đẹp khác. Cái hay, cái đẹp không phải ở cốt truyện mà nhà thơ Quang Huy khai thác là “Chí Phèo” đã quá nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, cũng không phải bởi cách gieo vần của bài thơ mà hay ở ý nghĩa nó mang lại cho người đọc. Từ bài thơ ta nhận thấy cái đẹp của một con người không đơn thuần chỉ là hình thức bên ngoài, cái đẹp ấy toát lên nhờ sự tỏa sáng của tâm hồn và trí tuệ, cái đẹp tiềm ẩn bên trong mà chẳng phải ai ai cũng nhìn thấy nó.

Nhạc, họa hay thơ ca, phần lớn đề cập đến cái đẹp nói chung, ca ngợi vẻ đẹp của những người phụ nữ đẹp nói riêng. Từ xa xưa tới nay, đã tốn không ít giấy mực để ca ngợi vẻ đẹp của những người phụ nữ "nghiêng nước, nghiêng thành", nhưng tôi chưa từng được đọc một bài thơ nào viết về một người phụ nữ xấu cho đến khi bắt gặp bài thơ “Nỗi niềm Thị Nở” của Quang Huy. Ông có mạo hiểm quá không khi chọn đề tài viết về một người phụ nữ được xem là “xấu nhất trong những người phụ nữ xấu”?!

Nếu bạn là con trai có thể bạn thích chọn tác phẩm viết về người phụ nữ đẹp để đọc, để xem. Điều đó đâu có gì sai khi vừa thưởng thức nghệ thuật, vừa để trí tưởng tượng của mình bay bổng cùng một “bóng hồng” ẩn hiện trong tác phẩm? Điều ấy tuyệt phải không? Vậy mà Quang Huy chọn con đường khó để đi, để thử sức và may mắn thay, ông đã thành công khi nói về "Nỗi niềm Thị Nở" thông qua việc sử dụng thể thơ dân gian dễ hiểu, dễ nhớ.

Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi, nào dở hơi gì
Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình

Giá trị của Thị Nở được nhà thơ khai thác triệt để qua sự tự tin, phớt lờ những lời thị phi, vượt qua rào cản “miệng thế”... để được sống là chính mình. Chính điều này đã nâng tầm Thị Nở lên cao hơn giá trị bản thân trong giá trị cộng đồng. Thị Nở không để tâm đến sự “dở hơi” mà thế gian gán cho, bên cạnh đó còn biết tìm ra nét đẹp của riêng mình để tỏa sáng: “Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình”.

Thị Nở và Chí Phèo là hai nhân vật song hành trong tác phẩm của Nam Cao, không thể nhắc đến Thị Nở mà lại không nhớ đến Chí Phèo và ngược lại. Dưới con mắt của người dân làng Vũ Đại ngày ấy thì Thị Nở xấu “ma chê, quỷ hờn”, còn Chí Phèo là kẻ bất lương, suốt ngày say khướt, ăn vạ, chửi đổng…

Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền

Thị Nở “xấu đau, xấu đớn” nhưng Chí Phèo không chê. Còn Chí Phèo, cả làng Vũ Đại khối người phải khiếp sợ đấy, nhưng Thị Nở "nhìn" thấu được vẻ đẹp bên trong con người anh ta: “Chỉ mình em biết anh say rất hiền”! – Ôi, đúng là yêu thật rồi! Bao đời nay đều thế cả, khi yêu thì "méo cũng thành tròn", "bồ hòn cũng thành ngọt", cái gì của người mình yêu cũng đều đẹp đẽ, lung linh, tuyệt vời nhất! Ở bài thơ này, Quang Huy đã rất khéo léo khi xây dựng nên một “anh Chí” là người ngay thẳng, không tham bạc tiền nhưng cũng không dễ dàng chấp nhận thân phận mình.

Anh không nhà cửa, bạc tiền
Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo

Chí Phèo - một con người xếp ở đáy của xã hội thời bấy giờ, vậy mà Thị Nở vẫn tìm thấy những nét rất đẹp trong con người anh ta, vẫn thấy anh ta “rất hiền” khi say. Hẳn là anh ta phải có chút gì đó đặc biệt chứ nhỉ?

Người ta thường bảo khi say là lúc sống thật với mình nhất. Phải chăng lúc say Chí Phèo “rất hiền” là bởi lẽ bản chất anh ta vốn lương thiện, hiền lành? Còn cái “đáng sợ” kia chỉ là do “hoàn cảnh” xô đẩy mà thôi? Thị Nở không những thấy Chí Phèo "rất hiền" mà còn thấy anh ta tuy nghèo khổ đấy, nhưng không luồn cúi, cũng không dễ dàng chấp nhận cuộc sống cơ hàn. Thị Nở đã làm được cái điều mà dân làng Vũ Đại ngày ấy không ai làm được, đó là biết “gạn đục khơi trong”, đã nhìn nhận Chí Phèo như là một “chính nhân quân tử”. (Tôi trộm nghĩ, phải chăng cái đẹp của người mình yêu không hoàn toàn tự thân mà vì được yêu mới càng trở nên đẹp đẽ? Và giá như hồi ấy cả làng Vũ Đại cũng đều nhận ra những nét đẹp trong con người Chí Phèo nhỉ? Biết đâu anh ta đã chẳng trở thành kẻ bất lương đến thế và kết cục câu chuyện đã không bi thảm đến vậy! Nhưng chỉ là giá như mà thôi!)

Có lẽ chính vì Thị Nở đã tìm ra những nét đẹp bên trong con người Chí Phèo nên Thị đã “yêu” hắn chăng? Thị yêu hắn chắc không phải từ cái tên "Chí Phèo" chẳng mấy thơ mộng mà bởi sự đồng cảm của số phận? Quả là một tình yêu đẹp, khi biết vượt qua rào cản thị phi, thân phận thấp hèn để chỉ biết yêu, biết sống cho cảm xúc chân thành!

Cái tên thơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao
Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày

Khi đã yêu người ta thấy cái gì ở nhau cũng đẹp, đến cái tên “Chí Phèo” cũng trở nên thật “thơ mộng”, đến cái quần “ống thấp, ống cao” cũng làm cho Thị Nở phải “nao nao đêm ngày”!

Thị Nở, một người con gái cút côi sống với bà cô, chẳng mấy khi nhận được lời tử tế từ những người xung quanh ngoài lời răn đe, mắng nhiếc như cơm bữa đã "phải lòng" gã trai mà cả làng Vũ Đại ngày ấy coi là một kẻ đáng sợ. Họ đã tìm đến với nhau là do hoàn cảnh xô đẩy hay số phận run rủi để họ gặp nhau? Hãy nghe Quang Huy giải mã điều ấy nhé:

Khen cho con tạo khéo tay
Nồi này thì úp vung này chứ sao!

Hạnh phúc trong tình yêu là sự hòa hợp tâm hồn và thể xác mà không phân biệt đẳng cấp hay địa vị xã hội. Đó là sự thỏa lòng trong chừng mực mà cả hai cảm nhận được họ đã sống và được sống như trái tim họ mong muốn. Câu thành ngữ “Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo” được nhà thơ vận dụng rất sinh động khi đẩy sự tự tin của Thị Nở lên cao ở hai chữ “chứ sao” một cách vênh váo và đầy mãn nguyện.

Bốn câu tiếp theo được viết ra một cách thanh cao, đặt trong cái đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên và con người bằng sự thăng hoa của thi ca:

Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đẫm quá, trăng sao lại nhòa
Người ta... mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh

Chẳng cần phải nói nhiều về khổ thơ này nữa, tự thân nó cùng với trí tưởng tượng của mỗi người sẽ là một đêm thật đáng để nhớ trong đời.

Bài thơ khép lại bằng hai câu thiên về tự biện, trong khi cả bài thơ đều dồi dào sức sống mãnh liệt và tràn trề cảm xúc dâng trào.

Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm

Có lẽ phải thương xót lắm những con người dưới đáy của xã hội bấy giờ thì nhà thơ Quang Huy mới có thể viết bài thơ giàu tính nhân văn đến thế! Hạnh phúc trong tình yêu không chỉ đến với những người giàu sang, phú quý hay những người sở hữu nét đẹp trời cho. Tính nhân văn của bài thơ được thể hiện rõ nét ở chỗ ông đã để nhân vật trong thơ ông được hạnh phúc thực sự trong tình yêu, qua sự cảm thông, chia sẻ và hơn cả là biết nhận ra giá trị đích thực ở nhau. Tôi thiết nghĩ, con người vốn sinh ra đã không hoàn hảo, thế nên để đi tìm một nửa hoàn hảo của mình là điều không dễ. Nhưng chắc hẳn giữa dòng đời tấp nập vẫn có một ai đó dành riêng cho mình, phù hợp với mình nhất, người đó không phải là người đặc biệt nhất với mọi người mà điều quan trọng hơn cả là người đó rất đặc biệt với riêng ta.

Như Mai, 31/10/2012







Chí Phèo - Thị Nở (Ảnh chụp tại Indochina Riverside Đà Nẵng)

http://nhumaidn266.blogspot.com/2013/07/noi-niem-thi-no-cam-nhan.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét