8 thg 1, 2013

Vai gầy guộc nhỏ

     - Ta nghe bài hát Như cánh vạc bay, khi giai điệu vừa cất lên , chợt nghĩ về em! Em giống như người con gái trong bài hát ấy ...
     - Em, giống ư? Không dưng lại so sánh như thế!
     - Có lẽ là giống như cánh vạc buồn tênh, bay mãi, chẳng thấy đâu là bến bờ... Nghe nhé, giọng hát liêu trai của Khánh Ly, với Như cánh vạc bay! Đôi khi một bản nhạc vẫn nghe hoài đó chứ, vậy mà mãi đến một hôm như... hôm nay, lại trầm ngâm với từng ca từ, từ tốn cảm nhận từng con chữ:
                    "Nắng có hồng bằng đôi môi em 
                   Mưa có buồn bằng đôi mắt em ..."  

     Chỉ vậy thôi, Trịnh chẳng có lời nào bảo cô gái của ông ấy xinh xắn. Nhưng mà cái cách so sánh của ông mới nồng nàn làm sao, môi hồng hơn nắng, mắt buồn hơn mưa, dường như chẳng nói gì đến vẻ đẹp, nhưng từng ca từ cứ gợi lên vẻ đẹp, khơi dậy nét buồn sâu lắng thuộc tâm hồn!
 "Tóc em từng sợi nhỏ 
    Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh..."

     Ta không biết vì sao lại yêu thích vô cùng cái hình ảnh này, chỉ nhỏ nhoi như những sợi tóc từ nơi em, sao lại có thể làm thành sóng lênh đênh?... Cách dùng chữ tượng hình đó quả là một nghệ thuật, chỉ bằng một nét vẽ đơn sơ mà đủ sức kiến tạo nên một bức tranh lãng mạn. Từ nhỏ và nhẹ như sợi tóc rơi xuống đời, bỗng lớn hơn, dài rộng hơn, lả lướt và dập dềnh thành sóng, mà vẫn nhẹ như không bởi Trịnh đã chọn được một từ láy rất tuyệt - từ "lênh đênh" cho con sóng. Từng sợi tóc buông lơi khuấy động tâm hồn ta. Từng đợt sóng lênh đênh, lênh đênh... Vậy mà ta lại cứ muốn thả mình vào vùng nhấp nhô đó, để được lênh đênh theo con sóng, để cảm thấy dịu lòng bởi một thoáng lâng lâng. Em lơ đễnh, lơ đễnh mãi... Mà rồi có một ngày con sóng đó cũng làm em chênh chao... Chênh chao... 

         "Gió sẽ mừng vì tóc em bay
       Cho mây hờn ngủ quên trên vai
      Vai em gầy guộc nhỏ
 Như cánh vạc về chốn xa xôi"
     "Vai em gầy guộc nhỏ...". Bờ vai đó, có là một lý do để gợi cảm hứng cho Trịnh viết lên một ca khúc ngắn lời mà hay đến thế? Hình ảnh bờ vai đã gợi nên một nét chịu thương chịu khó của phần đông phụ nữ Việt Nam. Bờ vai mảnh mai mà đầy sức chịu đựng! Mỗi bờ vai ấm áp dịu dàng đã từng mang trên nó bao nhiêu trọng trách nhỉ? Bờ vai cho những yêu thương xa vời. "Bờ vai như giấy mới, sợ nghiêng hết tình tôi"... Cũng từ bờ vai ấy gợi mở ra hình ảnh những cánh cò, cánh vạc rất dung dị, rất gần... Cứ thấy buồn buồn sao đó khi người phụ nữ bị gắn vào hình ảnh cánh vạc thân cò. Cánh cò tha thiết ẩn trong những câu ru hời, trĩu nặng trong từng câu ca dao. Cánh vạc buồn bã ven sông, vừa thấy thân quen, vừa xa xót đến nao lòng... Em không muốn làm một cánh vạc đâu, buồn lắm anh biết không? Gầy guộc vai này , mỏng manh tâm cảm... Mênh mang, mênh mang lắm những đơn côi...
             "Nắng có còn hờn ghen môi em
              Mưa có còn buồn trong mắt trong"
     Yêu sao cái cách thổi vào thiên nhiên tình cảm, phong cách của con người để nắng, gió, mây trở thành những người bạn, bộc lộ cảm xúc cùng em. Yêu sao dải mây bé bỏng khóc vì hờn rồi ngủ quên trên vai ai đó. Ta biết đến lòng hờn ghen của nắng, ta biết đến nỗi buồn của mưa trong ca khúc này. Ta còn biết cả đến hạt mưa buồn nằm sâu trong mắt em. 
     Vai gầy guộc nhỏ ơi... 
     Cánh vạc rồi sẽ khuất sau nẻo trời mịt mờ, lãng đãng khói bay, lãng đãng sương giăng? Mỗi lúc đưa em về đều biết là chỉ chừng đó thôi. Chỉ chừng đó, rồi ta đứng lại, rồi em bước qua. Ta không có thói quen giữ một cái gì đó cho thật chặt nhỉ? Mà em cũng không! Lạ lùng, năm tháng thời gian chồng chất, thứ không giữ chặt vẫn mãi quẩn quanh. Cứ giả bộ nói cười đi nhé, như những người bạn xa lâu giờ tay bắt mặt mừng. Đời ta đã và cũng sẽ buồn như đời em. Nhạc Trịnh dung túng cho những nỗi buồn đầy, đầy mà vẫn rất nhẹ nhàng, nhỏng nhảnh như thể con nắng biết hờn ghen, như thể cơn mưa biết buồn, nỗi buồn ẩn tận sâu sau ánh mắt trong ngần em đó... Mới thấu hiểu vì sao có rất nhiều người cùng yêu nhạc Trịnh - có lẽ người ta tìm thấy trong nhạc của ông tiếng lòng của chính họ. Cả tiếng lòng của ta:
"Từ lúc đưa em về, 
   Là biết xa nghìn trùng"...
     Ngay từ lúc bên nhau đã biết đến chia xa. Biết là không - nên vẫn chẳng có lời yêu, chỉ có ánh mắt là không dấu nổi nỗi xót xa... Ai biết đâu tận trong sâu, như đang có sóng ở trong lòng... Để cho những cảm xúc lại cuồn cuộn dâng lên, nhưng vẫn ở tận đẩu, tận đâu..., bởi người vẫn bận phải kềm lòng... Ngày mai em đi... Đường đã vắng thưa người, lưu luyến mãi những phút cuối cùng. Cánh vạc sẽ bay về chốn xa xôi... Em đi về tận trời xa ngái, ta đi về phía không nhau!
     Là em, em đã rút bàn tay mình ra trước, em muốn cái quay lưng được nhẹ nhàng. Có nhẹ, có nhẹ không? Em đã không một lần nhìn lại phía sau, chỉ có sóng lòng vần vũ, sóng quay ngược về phía ánh mắt đang đăm đắm dõi theo sau... Bóng dáng bé nhỏ khuất sau những bậc thang. Một chút nuối tiếc cho những ngày qua nhanh quá! Em tiếc, ta cũng tiếc! Rồi xa xôi...
     Lảnh lót tiếng kèn sacxophone vút cao của Trần Mạnh Tuấn, lả lướt buông lơi xuống những nốt trầm. Lướt theo tiếng kèn Về Quê! Tiếng buồn cũng đã rơi, chạm đến đáy của lòng người... Trời đang mưa, mưa nhỏ thôi, và đêm rất vắng! Lòng cũng đang mưa, mưa rả rích... Trống trải... Buồn lướt qua mắt đêm, hoang hoải đẫm ướt cái lạnh của phố núi nơi xa. Vai gầy guộc nhỏ nghiêng theo phím chữ, tóc xỏa tràn vai, chữ cũng lênh đênh buông câu dỗi hờn...
             Gió sẽ mừng vì tóc em bay
              Cho mây hờn ngủ quên trên vai
            Vai em gầy guộc nhỏ
           Như cánh vạc về chốn xa xôi"
Em xa xôi... 
     Em không còn bên ta để cười những nụ cười như có nắng, để òa vỡ những niềm vui nhỏ nhoi. Không còn em với những đòi hỏi cỏn con. Không còn em và cũng không còn những lo lắng bâng quơ...
     Em xa xôi ...
     Gió sẽ mừng khi em quên hờn dỗi, khi em lại thả tóc bay trong chiều gió lộng. Em vẫn thích điều này, em muốn gió mơn man, vờn cho tóc rối. Để biết cho dù thời gian dẫu có lặng lẽ trôi qua, đời sống dẫu có nhiều mệt mỏi, gió vẫn ghé đây, thổi cho tóc em bay ...
     Chỉ mơ hồ thôi, có một hiện hữu vừa mỏng manh, vừa nhẹ tênh! Ta gửi em, chỉ là những tin nhắn nhỏ nhoi, nhắc nhau sống tốt, biết yêu đời, yêu người... Năm tháng chất chồng, vẫn chưa hề lãng quên nhau! Vẫn có một góc, một góc rất nhỏ, dành riêng một chút dịu dàng. Vẫn có một chỗ, một chỗ rất riêng để náu mình vào đấy khi vị đắng của cuộc đời dường như qúa đầy! 
         "Suối đón từng bàn chân em qua
         Lá hát từ bàn tay thơm tho
       Lá khô vì đợi chờ
           Cũng như đời người mãi âm u"
     Em không quên ngày ấy! Cơn mưa nhẹ hạt bay bay. Đứng trên cầu, nghe suối róc rách reo. Em mỉm cười cùng suối, "suối đón từng bàn chân em qua". Vòm lá trên cao, xanh ngắt một màu. Em không biết lá có hát không, nhưng lòng em lúc đó đang ca hát. Đã lâu lắm rồi không được ngồi bên cạnh một dòng sông, nghe từng bước chân của gió chuyển động rộn ràng, như chạy trên sông. Gió khoảng khoát, thênh thang, gió cũng hát... Đã lâu lắm rồi không ngắm buổi chiều thảnh thơi trôi qua... Em đang bị cuốn vào một dòng xoáy bận rộn. Đời người dẫu có "mãi âm u" nhưng cố giữ nghe, đừng để lòng mình mang màu sắc ảm đạm như cuộc đời! À không, đừng mang màu sắc ảm đạm trong mắt mình gán cho cuộc đời...
           "Nơi em về ngày vui không em?
            Nơi em về trời xanh không em?
           Ta nghe nghìn giọt lệ
              Rớt xuống thành hồ nước long lanh"
     Vai gầy guộc nhỏ ơi... 
     Ta chẳng bao giờ là của nhau, nhưng lại vẫn dõi theo nhau qua bao nhiêu năm tháng, dõi theo những buồn vui, dõi theo từng bước thăng trầm... Ngày của em có vui không, trời bên em có xanh không? Em nơi ấy ra sao?
     Em nơi này, đôi khi thích để lòng mình trôi trong hoài niệm, như đang nghe một điệu ru hời vỗ về mình trong bàng bạc ánh trăng đêm. Em nơi này, tự tình cùng cỏ cùng cây, tự nâng niu lấy tâm hồn mình ... Đôi khi nhớ, lúc thì rất thản nhiên... Thản nhiên sống, thản nhiên làm việc, vui buồn trong một góc rất riêng... Ngay cả khi em nhận thức được rằng đời quá vô thường, em vẫn không từ bỏ con đường của mình. Cánh chim không biết mỏi vẫn còn bay, bay mãi... Vẫn còn đó những ưu tư, ôm hết mọi điều cần thấu hiểu! 
     Ta và em, vẫn chỉ chạm nhẹ vào đời nhau trong một khoảng cách xa lăng lắc, mắt ta vẫn dõi theo đường bay của một cánh chim bướng bỉnh... Chim đến bao giờ mỏi cánh? Đời người còn được bao lâu nữa để mà mong chờ? Em bảo giữ cho có trong mắt một nụ cười khi nghĩ về nhau? Em vẫn cười? Ta lại nghe như từ nơi xa xôi đó tiếng vạc trầm đục, mơ hồ ướt đẫm hơi sương. Ta lại nghe đơn côi phủ lên vóc dáng em bé nhỏ, phủ lên tâm hồn em mỏng mảnh, muộn phiền... Gió hoang vu vẫn mãi chỉ chạm nhẹ vào nỗi buồn đầy, cho sóng sánh, vợi bớt những giọt tràn...
     Và ta lại thầm gọi em: Vai gầy guộc nhỏ ơi... 

KC viết vào những ngày đầu tháng 5/2012
(Bài cảm nhận cho bài hát NHƯ CÁNH VẠC BAY, nhưng lại được viết bởi một người không thông hiểu về âm nhạc...)

3 thg 1, 2013

Lời hay ý đẹp trên tranh




 loihay.png


 tp9.jpg
Đường về khép bóng trần gian
Lợi danh gói một hành trang vô thường



 tp8.jpg

Ngoảnh nhìn cuộc đời như giấc mộng
Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không


 tp7.jpg

Phú quý vinh hoa như mộng ảo
Sắc tài danh lợi tựa phù du


 tp6.jpg

Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ
Thong dong tự tại vậy mà vui

 tp5.jpg Đêm qua mộng lại thật gần
Đừng lay tôi nhé hồng trần mong manh


 tp4.jpg
Ta về giữ mộng trinh nguyên
Bờ hun hút lạnh nắng xuyên hình hài


 tp3.jpg
Khi tóc bạc trên đầu trôi dạt mãi
Cội nguồn ơi chiếc lá lại rơi về

 tp2.jpg
Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ cây hoa lá xuân qua rụng rời
Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành

Mãn Giác Thiền Sư

 tp1.jpg
Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ



Ghi chú
tranh của Họa sĩ Koukei Kojima (Japanese).

Lời Hay Ý Đẹp
 
Cà rốt, trứng và cà phê

Một cô gái trẻ nói với mẹ của mình rằng cuộc sống thật khó khăn.
Cô không biết sẽ tiếp tục như thế nào.
Cô muốn buông xuôi vì đã quá mệt mỏi khi mãi phải đấu tranh.

Mẹ cô gái sau khi nghe con nói bèn đưa cô vào bếp.
Bà đổ đầy nước vào ba cái bình và đặt chúng lên trên ngọn lửa.
Chẳng mấy chốc ba bình nước sôi.

Trong chiếc bình đầu tiên, bà đặt vào những củ cà rốt, trong chiếc thứ hai bà đặt những quả trứng, và trong chiếc cuối cùng bà đặt những hột cà phê nghiền.
Sau đó bà tiếp tục nấu sôi ba chiếc bình, và không nói một lời nào.

Khoảng 20 phút sau, bà tắt lửa.
Bà vớt những củ cà rốt ra và đặt chúng vào một cái bát.
Bà lấy những quả trứng ra và đặt vào một cái bát khác.
Bà lại lấy muôi múc cà phê ra và đặt vào cái bát thứ ba.
Quay sang cô con gái, bà hỏi:
- “Nào, con hãy nói cho mẹ biết, con nhìn thấy gì?”.
- “Dạ, cà rốt, trứng và cà phê”. 
Cô con gái trả lời rồi hỏi:
“Mẹ, điều đó có nghĩa là gì?”.
Bà mẹ giải thích rằng mỗi một thứ trong đó đã gặp điều kiện khó khăn như nhau, đó là nước sôi.
Mỗi thứ có phản ứng khác nhau.

Cà rốt khi chưa bỏ vào nước thì cứng, rắn và dai.
Tuy nhiên, sau khi bị bỏ vào nước sôi, nó mềm đi và trở nên yếu ớt.

Quả trứng vốn rất dễ vỡ.
Lớp vỏ ngoài mỏng manh của nó đã bảo vệ lớp chất lỏng bên trong nó, nhưng sau khi được đặt vào trong nước sôi, phần bên trong quả trứng cứng lại.

Những hột cà phê nghiền thì khác.
Sau khi bị bỏ vào nước sôi, chúng đã biến đổi nước.

“Con là gì?” - bà mẹ hỏi cô con gái.
“Khi một hoàn cảnh bất lợi gõ cửa nhà con, con sẽ phản ứng thế nào?
Con là củ cà rốt, quả trứng hay hột cà phê?”.

Người mẹ giải thích tỉ mỉ cho cô con gái:
“Con là củ cà rốt, dường như rất mạnh mẽ, nhưng khi bị đau và gặp hoàn cảnh bất lợi, con yếu mềm và mất đi sức mạnh?

Hay con là quả trứng bắt đầu với một trái tim mềm yếu nhưng qua khó khăn lại trở nên cứng rắn?
Một số người dễ bị lung lay tinh thần, nhưng sau một cái chết, sự chia ly, hay khó khăn về tài chính, họ trở nên cứng nhắc, mặc dù cái vỏ bên ngoài vẫn thế.

Hoặc có thể con giống cà phê.
Cà phê thực sự làm thay đổi nước nóng, chính là thay đổi hoàn cảnh mang lại nỗi đau.

Khi nước bị nóng, cà phê toả ra hương vị của nó.
Nếu con giống như cà phê, con sẽ sống tốt đẹp hơn và có thể thay đổi tình thế xung quanh con, khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ nhất.

Trước những ngày tháng đen tối nhất và trước những thử thách cam go nhất, con sẽ nâng bản thân mình lên một tầm cao mới.

Sau này khi con gặp hoàn cảnh bất lợi, hãy nhớ tự hỏi mình:
“Tôi sẽ là một củ cà rốt, một quả trứng hay là cà phê?”.

Cầu mong bạn có đủ niềm vui để làm cho cuộc sống của mình thật ngọt ngào, có đủ thử thách để khiến bạn mạnh mẽ, có đủ đau thương để sống có tình người và có đủ hy vọng để hạnh phúc.

Người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải có tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất; họ chỉ hoàn thành hầu hết tất cả những gì xuất hiện trên con đường đời của họ.

Tương lai tươi sáng nhất sẽ luôn dựa trên một quá khứ lãng quên. Bạn không thể tiếp bước trong cuộc sống nếu như chưa vượt qua những thất bại và nỗi đau trong quá khứ.

Khi bạn được sinh ra, bạn khóc và mọi người quanh bạn mỉm cười. Hãy sống cuộc sống của bạn để đến ngày cuối cuộc đời, bạn là người mỉm cười còn mọi người quanh bạn khóc.
Theo TruthBook 
 
 

2 thg 1, 2013

Tương Tư ( Nguyễn Bính )

 Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
 Một người chín nhớ mười mong một người
 Gió mưa là bệnh của giời
 Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

 Hai thôn chung lại một làng,
 Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
 Ngày qua ngày lại qua ngày
 Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

 Bảo rằng cách trở đò giang
 Không sang là chẳng đường sang đã đành
 Nhưng đây cách một đầu đình
 Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?

 Tương tư thức mấy đêm rồi
 Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?
 Bao giờ bến mới gặp đò
 Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

 Nhà em có một giàn giầu
 Nhà anh có một hàng cau liên phòng
 Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
 Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

 Hoàng Mai, 1939 (Rút từ tập Lỡ bước sang ngang - 1940)

 Lời bình TS. CHU VĂN SƠN

Tương tư là nỗi nhớ nhau của tình yêu đôi lứa. Nhưng trong cuộc đời, tương tư lại thường là nỗi nhớ đơn phương. Người này nhớ, mà đôi khi cứ ngỡ người kia vô tình lắm, chẳng hề biết, chẳng muốn biết rằng mình đang khổ sở vì tương tư. Thực tình, nhớ là hiện thân của yêu: một tâm hồn đang nhớ là một trái tim đang yêu; một tâm hồn ngừng nhớ là dấu hiệu chắc chắn của một trái tim đã ngừng yêu. Cho nên có kẻ nào yêu mà chẳng từng tương tư. Nguyễn Bính cũng thế! Chàng trai chân quê này tương tư và đã trải đến tận cùng những cung bậc tương tư, nói khác đi, là đã bị mọi cung bậc của tương tư dày vò đến khổ sở. Yêu nhau, mà xa nhau, tất sẽ nảy sinh nhung nhớ. Nhớ nhung, thực chất, là khát khao được có nhau, gần nhau. Xa cách về không gian và thời gian chính là duyên cớ để tương tư. Vì thế mà trong bản chất tình cảm, tương tư là một khao khát, một nỗ lực vượt không gian và chiến thắng thời gian [3] . Không gian, thời gian vô cớ trở thành kẻ thù của những tình nhân bị xa cách. Và đây là những kẻ thù nghìn lần đáng ghét. Bởi trong nỗi tương tư, khoảng cách dù là ngắn cũng trở thành diệu vợi, nghìn trùng; một khoảnh khắc cũng thành đằng đẵng, thăm thẳm. Đôi khi chỉ tấc gang cũng thành vực thẳm. Thậm chí, với một tình nhân giàu dự cảm thì dầu chưa xảy ra xa cách, đã khắc khoải tương tư rồi: - Vừa thoáng tiếng còi tàu Lòng đã Nam đã Bắc - Nên cả lúc gần anh Mà lòng em vẫn nhớ (Xuân Quỳnh) * Trong bài thơ của mình, Nguyễn Bính đã nói lên nỗi tương tư nghìn đời của những lứa đôi. Ngay những lời mở đầu đã vẽ ra một nỗi tương tư chan chứa cả cảnh sắc thôn làng: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông Một người chín nhớ mười mong một người. Chỉ vì có một chàng trai thôn Đoài đang gửi lòng say cô gái thôn Đông mà cuối cùng đã thành thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Cách nói bóng gió tạo hiệu quả không ngờ là hai miền không gian đang nhớ nhau. Điều này đâu phải vô cớ. Khi người ta tương tư, cảnh vật xung quanh cũng bị cuốn vào nỗi tương tư, không gian bao quanh cũng ngập tràn nhung nhớ. Người ta có nhìn bằng con mắt khách quan nữa đâu! Cảnh vật nhuốm màu tương tư cả rồi. Câu thứ hai đặc Nguyễn Bính! ấy là giọng kể lể. Một câu thơ được viết toàn bằng số từ! Không gian tương tư thật rõ. Câu bát có xu hướng kéo dài, nó càng dài hơn bởi giọng kể lể và chất đầy những số từ thậm xưng theo lối thành ngữ. Mỗi người đứng ở một đầu câu thơ, thăm thẳm, vời vợi. Giữa họ là một khoảng không diệu vợi. Nỗi tương tư giăng mắc một nhịp cầu "chín nhớ, mười mong", khởi lên từ đầu này và chấp chới, và mơ mòng tới đầu kia. Kế đó là một sự lí giải: Gió mưa là bệnh của giời, Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. So sánh mình với giời, ngông là thế mà thấy cũng chấp nhận được. Bởi cả hai có cùng một căn bệnh. Tôi và Giời hoá ra là hai kẻ đồng bệnh. Thế mà chưa hết đâu, cái tôi này còn toan tính hạ thấp cả giời trong so sánh đó nữa. "Gió mưa là bệnh của giời", thì bệnh đó là một thứ tật, một thói hư, giời giở chứng ra - một thứ bệnh nội sinh có sẵn! Còn "Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng" thì là căn bệnh mắc phải do "ngoại nhập". Từ ngày yêu nàng, tôi mới mắc bệnh này. Coi tương tư là một thứ "bệnh", mới kể lể được những khổ sở của cái Tôi mang bệnh. Mà bệnh này đã mắc thì... phi em vô phương cứu chữa. Trong câu thơ, thấy có cái giọng chấp nhận một thực tế, một qui luật tất yếu không cưỡng lại nổi. Cái Tôi hiện ra vừa như một tình nhân đắm đuối vừa như một nạn nhân tự nguyện rước bệnh, rước khổ sở vào thân. Có phải khi yêu, lời chân thành nào cũng hoá khôn ngoan thế chăng? Có phải thế là sự khôn ngoan... dễ thương? * Hình như tương tư thường bắt đầu bằng kể lể, giãi bày, và rồi chẳng mấy ai chịu dừng lại ở đó. Sẽ còn là trách móc, hờn giận, sẽ còn là dằn dỗi đơn phương, khát khao đòi hỏi... cũng đơn phương. Nghĩa là bệnh tương tư sẽ mỗi ngày một thêm trầm trọng. Mà "kì" nhất là, cũng một không gian ấy thôi, nhưng khi đã kể lể nỗi khổ của mình - cho mình, thì nó bỗng dài ra vô tận, trái lại, đến khi trách móc, "kể tội đối phương" thì nó lại thu hẹp đến kiệt cùng: Hai thôn chung lại một làng Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này? Mở ra, "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông", tưởng chừng nghìn trùng cách trở. Đến đây, té ra sự cách trở đã hoàn toàn triệt tiêu: tuy hai thôn nhưng thực ra chỉ có một làng. Quái lạ thay là tâm lí tương tư! Khoảng cách có vậy mà khéo co giãn, biến hoá làm sao! Nhưng xem chừng, hay nhất vẫn là sự kể lể về thời gian: Ngày qua ngày lại qua ngày, Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng Ngày trước, tả mối tương tư Kim - Kiều, Nguyễn Du cũng thấy cái nghịch lí trữ tình của thời gian : Sầu đong càng lắc càng đầy Ba thu dọn lại một ngày dài ghê Một ngày thôi mà ngỡ đã ba thu. Thế cũng đã quá ư... trầm trọng! Dầu sao, đó vẫn là nỗi tương tư được nói bằng giọng người trần thuật, ngoài cuộc. Còn lời thơ Nguyễn Bính vẫn nguyên sự sốt ruột, khắc khoải của người trong cuộc, y như lời lẽ của người đang ngồi bóc lịch đếm từng ngày rề rà chậm chạp trôi qua một cách vô tình, thậm chí như cố tình trêu ngươi vậy! "Ngày qua ngày lại qua ngày", câu thơ đi nhịp 3/3, chia thành hai vế, vế này là sự lặp lại của vế kia theo lối trùng điệp. Chữ "lại" chứa đựng một ngán ngẩm. Vừa hi vọng, vừa như thất vọng. Mỗi ngày mới đến nhen lên một hi vọng, để đến cuối ngày, hi vọng tàn đi thành vô vọng. Tất cả gợi được nhịp vận hành lặp đi lặp lại rời rã của những ngày đợi chờ, mong mỏi mà vô vọng vẫn hoàn vô vọng. Câu thứ hai vẽ ra một người nóng lòng chờ đợi cùng cái cây (Nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính thường bộc bạch tâm trạng cùng với một cái cây nào đó. Đây thì chẳng rõ là cây gì. Chỉ biết nó cũng nặng trĩu tương tư! Hay đó là cây tương tư?!). Thời gian với kẻ tương tư chẳng vô hình. Nó có màu: ấy là màu vàng héo. Mỗi ngày qua để lại một dấu vết nhỡn tiền trên vòm lá. Cái cây là một nhân chứng, một cuốn lịch thiên nhiên, một tri kỉ câm lặng, một kẻ đồng nạn - nạn nhân của sự hững hờ của ai kia. Anh đợi em khi cây hãy còn xanh, đến nay cây đã vàng hết cả rồi, vậy mà... Đợi chờ làm cây héo úa, làm người héo hon! Cái cây kia là hình ảnh khác của anh! Cái cây kia chính là anh. Tả cảnh ngụ tình là thế! Phải nói chữ "nhuộm" thật đắt. Cũng viết về sự thay đổi sắc màu trên cây cỏ, khi Thuý Kiều tiễn biệt Thúc Sinh, Nguyễn Du viết: Người lên ngựa kẻ chia bào Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san Chữ "nhuốm" rất động. Nói được sự biến đổi đang diễn ra, chưa hoàn tất. Nó cũng trực tiếp! Dường như sắc màu này vốn từ cuộc chia li ở câu trên đã hắt sang câu dưới, đã phổ vào cảnh vật nên mới "nhuốm". Nó là sự lây lan từ tinh thần con người xâm nhập vào cây cỏ. Còn chữ "nhuộm" của Nguyễn Bính gợi được thời gian. Bởi xem chừng nó tĩnh hơn. Quá trình diễn biến đã hoàn tất: lá xanh đã biến thành lá vàng rồi! Sắc thái kể lể đậm hơn. Thời gian đợi chờ của anh đằng đẵng, dằng dặc đến nỗi đủ để nhuộm một cây xanh thành hẳn thành cây lá vàng cả rồi! Lời thơ vì thế mà khổ sở, khắc khoải bội phần. * Có phải tương tư là một gánh nặng đơn phương, càng nặng nề bao nhiêu, càng nghĩ "đối phương" vô tình bấy nhiêu. Vì thế mà cung bậc tương tư cứ chuyển biến rất tự nhiên từ kể lể, thở than sang trách móc? Mà lời trách móc thì, ôi chao, đầy một lối "qui kết" khó mà "chạy tội" được: Bảo rằng cách trở đò giang Không sang là chẳng đường sang đã đành Nhưng đây cách một đầu đình Có xa xôi mấy mà tình xa xôi? Vẫn cái "luận điệu" dễ ghét ấy. Kể lể nông nỗi mình thì cũng một sự xa cách kia mà hoá muôn trùng, thăm thẳm. Còn ở đây thì "phủ định sạch trơn": không hề có xa cách - không có cách trở đò giang, không phải không có đường, mà thậm chí còn gần lắm, chỉ có một đầu đình thôi. Tất cả chỉ do em hờ hững chứ chả có lí do khách quan gì! Người đâu có người mỗi lời lại một vận vào người ta thế có "khiếp" không! Nhưng không có luận điệu ấy thì làm sao có thể "qui chụp" người ta vô tình được! Sao những trái tim yêu lại có thể "ranh mãnh" một cách hồn nhiên đến thế! Vậy đấy, trong nỗi tương tư, trái tim thường cất lên những lời buộc tội thật dễ thương. Và khi "người ta" đã nhân danh nỗi khổ vì tương tư, thì nghe những lời buộc tội "khó chịu" đến đâu cũng đành mà "chịu khó" thôi, nghĩa là cũng thật dễ chịu thôi, chẳng phải thế sao? Trách chưa hết đã lại hờn: Tương tư thức mấy đêm rồI Biết cho ai hỏi ai người biết cho? Hờn mát đến điều rồi thì lại khát khao đến độ: Bao giờ bến mới gặp đò Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau Và cuối cùng thì khẳng định đinh ninh: Nhà em có một giàn giầu Nhà anh có một hàng cau liên phòng. Thôn Đoài thì nhớ thôn đông Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào? Tất cả đã sẵn sàng và đang nóng lòng chờ đợi. Chỉ còn em nữa thôi! Thôn Đoài đã hẳn là nhớ thôn Đông, điều ấy không còn nghi ngờ bàn cãi nữa rồi. Vậy thì, cau thôn Đoài còn biết nhớ giầu không thôn nào nữa đây. Câu thơ chứa trong nó một lôgic thật ... nguy hiểm! * Vậy là, trong thẳm sâu tâm lí, tương tư chính là khao khát hạnh phúc lứa đôi, khao khát thành đôi thành lứa. Khao khát ấy tràn ra trong giọng điệu khi kể lể phân trần, khi giận hờn trách móc. Khao khát ấy còn kí thác vào những cặp đôi giấu mình suốt dọc bài thơ. Ban đầu những đôi ấy còn xa xôi, càng về sau càng xích lại gần. Lần đầu, 1990, khi viết cho sach Để dạy tốt Văn 11 dành cho giáo viên, tôi mới chỉ nhận ra một nửa số cặp ấy. Giờ thống kê kĩ hơn, mới thấy nhiều cặp đôi hơn ẩn náu khắp bài thơ: Thôn Đoài - Thôn Đông Một người - Một người Tôi - Nàng Bên ấy - Bên này Bến - Đò Hoa Khuê Các - Bướm giang hồ Nhà anh - Nhà em Và cuối cùng là: Trầu - Cau Kết như thế thật khéo! Vòng vo, xa gần, cuối cùng vẫn cứ tụ lại ở điều cần nhất, khắc khoải nhất: ấy là trầu - cau! Mà trầu cau là chuyện nhân duyên. Điểm truyền thống rất nổi bật ở Nguyễn Bính là quan niệm luyến ái. Là một nhà Thơ Mới, nhưng Nguyễn Bính không có cái chủ trương yêu hiện đại với cái tình gần gũi cái tình xa xôi, cái tình trong giây lát, cái tình ngoài thiên thu như điệu sống thời thượng bấy giờ. Các nhà thơ hiện đại chỉ quan tâm đến tình, ít quan tâm đến duyên. Nguyễn Bính quả là chân quê khi coi trọng nhân duyên. Yêu đương với chàng thi sĩ này dứt khoát phải gắn liền với chuyện trăm năm, với hôn nhân. Nghĩa là với Cau - Trầu. Thực ra, những cặp hình ảnh kia vẫn chưa thành đôi hẳn, mà mới chỉ ở dạng tiềm năng, vẫn còn để ngỏ và chờ đợi. Vâng, đợi chờ một vị "cứu tinh" duy nhất là Em. Em đến, trầu cau sẽ thắm lại và tất cả các cặp còn hờ kia sẽ kết thành đôi. Bệnh tương tư sẽ được cứu chữa! Nỗi khổ sở sẽ hết dày vò! vân vân và vân vân... Nhưng em biết không, khi tất cả những điều kia đã thành, thì cũng là lúc nỗi tương tư bắt đầu... bị hoá giải.

1 thg 1, 2013

Màu chung thủy


Ai đã hỏi em yêu màu gì nhất!
Em cười buồn, yêu màu tím thủy chung
Những chiều về nhuộm màu sắc nhớ nhung
Tím khoảng trời, hoa bằng lăng mùa hạ.
Thời gian ơi xin hãy dừng lại đã
Để màu thương không phai nhạt bao giờ
Dù một chiều tôi đứng đó ngẩn ngơ
Cũng không mất phút giây êm đềm nhất.
Kỷ niệm xưa phủ tâm hồn ngây ngất
Gió vô tình làm buốt lạnh đôi vai
Màu hoa kia sẽ đến lúc tàn phai
Bay chấp chới trong chiều hoang cô lẻ.
Hoa bằng lăng một thời tôi san sẻ
Cho một người yêu màu tím thủy chung
Tình yêu ơi đã hứa trọn đến cùng
Mà dang dở cho màu hoa phai sắc.